Mèo chính là một trong số các loại thú cưng phổ biến nhất được nhiều gia đình xem như thành viên chính thức trong nhà mình. Chính vì vậy, việc chăm lo sức khỏe của các chú mèo cũng được nhiều chủ nuôi dành sự quan tâm đặc biệt. Trong đó phải kể đến việc tẩy giun cho mèo định kỳ, bất kể giống loài, kích thước, độ tuổi hay giới tính nào của mèo thì chủ nuôi cũng cần biết được những kiến thức cơ bản dưới đây để có thể chăm sóc tốt cho chú mèo của mình.
Vì sao cần tẩy giun cho mèo?
Tương tự như ở người, việc tẩy giun cho mèo, đặc biệt là mèo mới sinh hoặc mèo con là vô cùng cần thiết. Các loại côn trùng như muỗi, bọ chét và các loài kí sinh là nguyên nhân gây nhiễm giun ở mèo. Ngoài ra, không loại trừ khả năng mèo mẹ trong quá trình mang thai đã mắc phải giun và lây sang cho mèo con.
Mèo bị nhiễm bệnh giun sán có thể bị chậm phát triển, hệ thống miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng vì giun là loài ký sinh trùng sẽ hấp thụ toàn bộ các chất dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn của mèo. Ngay cả đối với mèo trưởng thành, việc nhiễm các bệnh liên quan đến giun sán cũng có nguy cơ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng gây tử vong. Đặc biệt, khi mèo của bạn bị nhiễm giun, chính bản thân bạn và gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ bị lây truyền giun sán từ mèo.
Vì vậy, bên cạnh việc chú ý vệ sinh trong thực phẩm và các vật dụng hàng ngày như khay đựng thực phẩm, khu vực vệ sinh,… các chủ nuôi nên đặc biệt chú ý đến việc tẩy giun cho mèo để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa của chúng.
Các loại giun cơ bản thường gặp ở mèo
Hầu hết các chú mèo khi mắc phải giun sẽ có triệu chứng đầu tiên là tiêu chảy, khi đó, các chú nuôi sẽ có thể kiểm tra tình trạng của mèo cũng như xác nhận mèo có đang nhiễm giun hay không bằng cách kiểm tra phân của chúng. Việc chú ý đến các dấu hiệu nhỏ nhất của mèo sẽ giúp chúng tránh được những hậu quả nghiêm trọng do giun sán gây ra. Dưới đây chính là một số loại giun cơ bản mà các giống mèo thường mắc phải.
- Giun chỉ: Đây chính là loại giun phổ biến và cũng nguy hiểm nhất ở mèo, chúng gây ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hệ thống tim mạch và dẫn đến chứng suy tim ở mèo.
- Giun đũa: Đây chính là một dạng kí sinh thường gặp, bạn có thể tìm thấy chúng trong phân của mèo trưởng thành, một số trường hợp mèo con cũng nhiễm giun đũa từ sữa của mèo mẹ.
- Sán dây: Sán dây bắt nguồn từ việc có bọ chét sinh sống trên bề mặt lông mèo, thường thấy nhất là ở quanh khu vực hậu môn của mèo con.
- Giun tròn: Đây là loại giun hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, sống kí sinh trong phổ của mèo, đặc biệt là mèo con. Nguyên nhân khiến mèo bị nhiễm giun tròn có thể là do tiếp xúc với các động vật bị nhiễm bệnh khác như chim, chuột,…
- Giun móc: Giun móc là loại giun thường gặp ở các giống chó, tuy nhiên, thi thoảng cũng sẽ xảy ra với một số loài mèo. Mèo khi ăn phải những con vật mắc bệnh sẽ bị giun móc tấn công và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ruột non.
Bất kể mèo khi nhiễm phải một loại giun nào, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn về sau, một số trường hợp sẽ khiến mèo từ vong.
Khi nào nên tẩy giun cho mèo?
Để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất cho chú mèo nhà bạn, việc tẩy giun nên được thực hiện đúng theo từng trường hợp dưới đây.
- Đối với mèo con: Nên bắt đầu tẩy giun khi mèo được 3 tuần tuổi và tẩy lại mỗi 2 tuần cho đến khi mèo được 3 tháng tuổi và 1 lần mỗi tháng khi mèo con từ 3 đến 6 tháng tuổi.
- Đối với mèo trưởng thành: Chủ nuôi nên tẩy giun định kỳ cho mèo mỗi 6 tháng và ngay sau khi phát hiện mèo đã nhiễm giun. Tuy nhiên, nếu mèo nhà bạn có sở thích hay thói quen săn mồi, thường xuyên tiếp xúc với các sinh vật mang nhiều mầm bệnh như chuột, gián,… việc tẩy giun nên được lặp lại mỗi 3 – 4 tháng.
- Đối với mèo mẹ mang thai, mèo mẹ đang cho con bú: Mèo nên được tẩy 1 lần trước khi giao phối và một lần tiếp theo vào trước khi sinh khoảng 1 tuần. Mèo mẹ đang cho con bú sẽ được tẩy giun định kỳ theo lịch của mèo con.
- Mèo mới mang về nhà: Tốt nhất nên được tiến hành điều trị như mèo đang nhiễm giun, tẩy ngay lập tức và lặp lại sau 2 tuần. Sau đó, việc tẩy giun định kỳ cho mèo sẽ được tiến hành tùy theo độ tuổi và trình trạng của chúng.
Cách cho mèo uống thuốc tẩy giun
Các loại thuốc tẩy giun cho mèo có thể dễ dàng được tìm thấy tại các cửa hàng thú cưng, tiệm thú y như Bayer, Zantel, Univerm Total, Biaverm, Drontal Plus Cats… Tuy nhiên, khi phát hiện mèo bị nhiễm giun, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ thú y trước khi có kế hoạch điều trị để đạt hiệu quả cao nhất.
Thời điểm trước khi tẩy giun, bạn nên cho mèo nhịn ăn nửa buổi, lựa chọn hợp lý nhất là giảm khẩu phần ăn buổi tối của mèo và tiến hành tẩy giun vào buổi sáng sớm. Tùy theo từng loại thuốc tẩy giun cho mèo sẽ có cách sử dụng khác nhau, phổ biến nhất chính là một số phương pháp dưới đây.
- Nhét trực tiếp vào miệng của chó mèo, tuy nhiên, cách này có thể sẽ không mang lại hiệu quả cao nếu chúng nhả thuốc ra.
- Tán nhuyễn viên thuốc và trộn vào thức ăn yêu thích để dụ mèo ăn.
- Đối với thuốc tẩy giun cho mèo dạng nước, bạn có thể hòa vào nước rồi dùng ống tiêm đã bỏ mũi kim, bơm thuốc trực tiếp vào cổ họng cho mèo uống.
Khi mèo đã uống thuốc tẩy giun, bạn nên cho mèo ăn ít hơn thường ngày và chọn những món mà chúng yêu thích nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho mèo uống thêm men tiêu hóa để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu quá.
Lưu ý khi tẩy giun cho mèo
Khi tiến hành tẩy giun cho mèo, chủ nuôi cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Không nên tẩy giun khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không tẩy giun khi mèo đang trong giai đoạn mệt mỏi, biếng ăn, hay mắc phải các bệnh khác.
- Sử dụng liều lượng thuốc tẩy giun đúng theo hướng dẫn, tránh việc dùng quá liều gây sốc thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mèo.
- Không cùng lúc thực hiện tẩy giun và tiêm vắc-xin cho mèo.
Cách phòng chống giun sán cho mèo
Hiển nhiên, phòng bệnh sẽ luôn tốt hơn chữa bệnh. Vì vậy, các chủ nuôi nên lưu ý thực hiện một số điều sau để bảo vệ mèo khỏi các loại giun sán kí sinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, khu vực sinh hoạt của mèo, chậu cát,…
- Chăn gối, quần áo và đồ chơi của mèo nên được vệ sinh định kỳ.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho mèo, tốt nhất hãy cho chúng ăn các thực phẩm đã nấu chín để bảo vệ sức khỏe.
- Tẩy giun định kỳ cho mèo theo lịch.
- Kiểm tra và tiêu diệt bọ chét xung quanh môi trường sống của bạn và thú cưng.
Đó chính là một số những kinh nghiệm tẩy giun cho mèo mà chúng tôi muốn chia sẻ với các các chủ nuôi yêu thương chú mèo của mình. Hi vọng các thông tin trong bài viết sẽ hữu ích, giúp bạn chăm sóc tốt cho chú mèo của mình mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ thú y. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, hãy đưa mèo đến các trung tâm thú y để nhận được những lời khuyên chuyên môn và hiệu quả nhất nhé!