Các loại cá thu: Đặc điểm, phân loại và giá bán chi tiết

Đánh giá post

Cá thu thường xuất hiện trên bàn ăn mỗi gia đình nhờ hương vị thơm ngon cùng giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cá thu có mấy loại cũng như đặc điểm phân biệt của từng loại. Nếu bạn cũng đang có chung thắc mắc về vấn đề này thì hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về các loại cá thu trong bài viết dưới đây nhé!

Cá thu là cá gì? Sống ở đâu?

Cá thu là tên gọi chung của các loại cá thu khác nhau, chủ yếu thuộc họ cá thu ngừ (Scombridae). Môi trường sống của chúng là khu vực biển nhiệt đới và ôn đới. Tuy nhiên, tùy theo tập tính sinh trưởng của từng loài mà chúng có điều kiện sống khác nhau, có thể là sâu dưới đại dương hoặc các khu vực ven bờ.

Tại nước ta, cá thu thường được đánh bắt dọc theo các vùng biển từ Bắc vào Nam. Một số địa phương có sản lượng cá thu cao là Quảng Bình, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang – Phú Quốc.

Cá thu là cá gì?
Cá thu là cá gì?

Cá thu ăn gì? Đặc điểm sinh sản của cá thu

Cá thu là loài ăn tạp, thức ăn của chúng là những sinh vật phù du dưới nước. Các loài cá thu thường săn mồi ở độ sâu từ 10 – 40m so với mặt nước biển. Thời gian hoạt động của chúng là từ sáng sớm đến chiều tà.

Vào mùa sinh sản, cá thu chọn những vùng nước ấm, có nhiều đá ngầm để đẻ trứng. Phần trứng đẻ ra được bao quanh một lớp dầu để chúng có thể nổi lên mặt nước.

Sau khi nở ra từ trứng, con ăn những sinh vật phù du có ở vùng nước được sinh ra. Khi lớn hơn một chút, chúng sẽ tìm ra biển lớn để sống. Đợi đến mùa sinh sản, chúng lại quay về để phát triển giống nòi.

Cá thu thuộc loài cá săn mồi
Cá thu thuộc loài cá săn mồi

Các loại cá thu phổ biến

Cá thu có mấy loại chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều người. Cá thu biển có hơn 30 loài khác nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú về giống loài. Dưới đây là các loại cá thu phổ biến và cách phân biệt chúng.

Cá thu đao (cá thu Nhật)

Đây là giống cá thường được tìm thấy ở phía bắc Thái Bình Dương, thuộc vùng biển các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và trải dài tới Mexico. Sở dĩ chúng được gọi với cái tên “cá thu đao” bởi phần miệng nhọn, thân hình thon dài nhìn chẳng khác gì một lưỡi đao.

Cá thu đao chứa nhiều mỡ ở bụng và dưới da. Da cá được chia làm 2 phần màu rõ ràng, đó là màu xanh xám ở bụng và màu xanh đậm ở lưng. Hai bên mình cá có đường sọc dài và mảnh màu xanh.

Cá thu đao
Cá thu đao

Cá thu ảo (cá thu lam/cá thu kim)

Cá thu ảo còn được gọi là cá thu lam hay cá thu kim. Chúng có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với các loài cá thu khác, với chiều dài không vượt quá 30cm. Mùa khai thác cá thu ảo thường rơi vào tháng 5 tới tháng 10 Âm Lịch hàng năm.

So với cá thu đao, cá thu ảo có màu xanh sẫm hơn. Thân hình chúng khá dài nhưng bề dày tương đối mỏng và dẹt. Cá thu ảo có ít vảy, cơ thịt mịn, thịt cá ngọt nên có giá thành cao hơn các loại khác.

Cá thu ảo
Cá thu ảo

Cá thu ngàng (cá thu hủ)

Dòng cá này nổi bật với phần mõm nhọn và dài bằng ½ chiều dài đầu cá. Thân cá có màu xanh đặc trưng, phần lưng có màu xanh nước biển đậm và bụng dưới có màu trắng.

Mùa khai thác cá thu ngàng rơi vào từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Thịt cá thơm ngon và chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng.

Cá thu ngàng
Cá thu ngàng

Cá thu bông (cá thu non)

Cá thu bông thực chất là những con cá thu nhỏ, vừa mới ra đời được khoảng vài tháng, kích thước cơ thể chỉ khoảng từ 5 – 7cm. Vì được khai thác khi còn nhỏ nên cá thu bông không được chắc thịt. Vì vậy, người ta chủ yếu dùng loại cá này để giã làm ruốc.

Cá thu chấm

Cá thu chấm là một trong các loại cá thu có trọng lượng cơ thể lớn. Con trưởng thành có thể nặng đến 45kg. Toàn bộ thân cá có màu xám bạc với các đốm đen trải đều từ đầu đến đuôi cá.

Cá thu chấm thường được tìm thấy trong khu vực Ấn Độ Dương và các vùng biển lân cận. Chính vì vậy, chúng còn được biết đến với các tên “cá thu Ấn Độ”.

Cá thu chấm
Cá thu chấm

Cá thu vạch

Điểm nhận dạng của cá thu vạch là một dải vạch màu xanh đen chạy dọc cơ thể, da trơn mỏng và không có vảy. Ngoài ra, chúng có 2 chiếc vây lớn chạy dọc theo phần bụng và lưng.

Cá thu vạch chắc thịt, thơm ngon, nhiều dinh dưỡng và rất ít xương nên được chế biến trong nhiều món ăn.

Cá thu vạch
Cá thu vạch

Cá thu vua

Đúng như tên gọi của chúng, cá thu vua là loài lớn nhất trong các loài cá thu. Chúng có kích thước to lớn với chiều dài lên đến 2,6m cùng trọng lượng cơ thể nặng khoảng 80kg. Cá thu vua mang đến giá trị kinh tế cao với phần thịt chắc, dày cùng hương vị tươi ngon, thanh ngọt tự nhiên.

Cá thu vua
Cá thu vua

Cá thu phấn (cá thu trắng/cá thu ngừ)

Cá thu phấn mang đầy đủ đặc điểm điển hình của họ các loài cá thu ngừ. Thân của chúng có hình oval thon dài và nhỏ dần về phía đuôi. Giống cá này không có vảy, da trơn và đuôi có hình dạng mũi tên.

Cá thu phấn trưởng thành có trọng lượng lên đến 5kg với chiều dài xấp xỉ 0,8m. Cá thu phấn cái thường có kích thước to hơn con đực. Thịt cá thu phấn thơm ngọt và rất bùi nên hợp khẩu vị của đa số người ăn. Vì vậy, đây là giống cá thu rất được ưa chuộng.

Cá thu phấn
Cá thu phấn

Cá thu ngừ (cá thu đen)

Nhìn chung, cá thu ngừ có đặc điểm và trọng lượng tương đối giống với cá thu phấn. Chúng có thân hình thon dài, da trơn và không có vảy. Tuy nhiên, thịt cá thu ngừ không tốt cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai bởi chúng chứa một chút độc tính.

Ăn cá thu có tốt không?

Nếu bạn băn khoăn không biết ăn có thu có tốt không, thì câu trả lời là CÓ! Thịt các loài cá thu có hương vị thơm ngon, đậm đà và giàu chất dinh dưỡng nên rất tốt cho sức khỏe con người.

Tốt cho não bộ

Cá thu biển cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có Omega 3 là dưỡng chất giúp phát triển trí thông minh, tăng khả năng tư duy và tập trung của con người.

Khi ăn một lượng cá thu vừa đủ, trẻ em phát triển tốt não bộ, tiếp thu kiến thức nhanh chóng và tăng cường sức khỏe. Đối với người lớn, ăn cá thu giúp hạn chế chứng đãng trí, đồng thời hỗ trợ não bộ làm việc hiệu quả và nhanh hơn.

Thịt cá thu cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể
Thịt cá thu cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể

Hạn chế bệnh tim mạch

Các chất dinh dưỡng và khoáng chất có trong các loại cá thu như Vitamin, Omega 3, DHA,… có tác dụng hỗ trợ lưu thông máu và ổn định lượng máu tuần hoàn trong cơ thể.

Ngoài ra, ăn cá thu đều đặn giúp giảm lượng cholesterol và triglyceride, qua đó ngăn chặn chứng tắc mạch máu não.

Giúp xương chắc khỏe

Không chỉ giàu Omega 3, thịt cá thu biển còn chứa rất nhiều vitamin D và Canxi. Đây là dưỡng chất cần thiết để xương phát triển. Chính vì vậy, ăn nhiều cá thu sẽ góp phần giúp xương trở nên cứng cáp và ngăn ngừa các bệnh về khớp.

Ai không nên ăn cá thu?

Mặc dù các loại cá thu có nhiều chất dinh dưỡng nhưng nó cũng chứa một hàm lượng thủy ngân nhỏ, có thể gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Do đó, bạn chỉ nên ăn cá thu 2 – 3 lần một tuần, mỗi lần ăn từ 1 – 2 con là phù hợp.

Ai có tiền sử dị ứng thủy sản thì không nên ăn cá thu vì có thể gây ngứa và nổi mề đay. Phụ nữ có thai cũng không nên ăn loại cá này vì hàm lượng thủy ngân trong cá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Cụ thể thì trẻ có thể chậm đi, chậm nói hoặc thậm chí ảnh hưởng đến não bộ.

Nếu bạn đang mang thai hoặc bị dị ứng hải sản thì không nên ăn cá thu
Nếu bạn đang mang thai hoặc bị dị ứng hải sản thì không nên ăn cá thu

Cá thu làm món gì ngon, bổ dưỡng?

Cá thu được chế biến thành nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình. Nếu bạn không biết nên làm món gì với cá thu thì có thể tham khảo những công thức dưới đây.

Cá thu kho dứa

Món ăn này có vị chua ngọt thanh thanh từ dứa, hứa hẹn mang tới bữa ăn ngon miệng cho gia đình bạn. Để thực hiện món cá thu kho dứa, bạn cần chuẩn bị: Cá thu cắt lát, nửa trái dứa, gừng, hành tím, tỏi và các loại gia vị nêm nếm.

Cá thu kho dứa đậm đà, đưa cơm
Cá thu kho dứa đậm đà, đưa cơm

Cách thức thực hiện:

  • Bước 1: Ướp cá với hành tím, tỏi, nước mắm, hạt nêm, mì chính, nước màu.
  • Bước 2: Chiên cá thu chín vàng hai mặt rồi gắp ra đĩa. Sau đó, cho hành tím đã băm nhuyễn vào chảo dầu nóng rồi phi cho vàng, thơm.
  • Bước 3: Xếp các miếng cá thủ vào chảo rồi vặn lửa nhỏ. Tiếp đến, cho lần lượt từng miếng dứa lên bề mặt cá.
  • Bước 4: Đồ phần gia vị còn sót lại vào chảo. Nếu muốn có phần nước sốt chan cơm, bạn có thể cho thêm một lượng nước xâm xấp bề mặt miếng cá.
  • Bước 5: Vặn lửa nhỏ và chờ trong khoảng 15 – 20 phút. Trong quá trình chờ, bạn hãy mở nắp vài lần để phần nước sốt được sệt lại. Đừng quên nêm nếm gia vị sao cho vừa với khẩu vị gia đình nhé!

Cá thu sốt cà chua

Đây là món ăn được nhiều bà nội trợ thực hiện bởi nguyên liệu dễ chuẩn bị, cách làm đơn giản. Để tạo ra món cá thu sốt cà thơm ngon, bạn cần chuẩn bị cá thu cắt lát, cà chua, hành, tỏi hành lá và thì là.

Món cá thu sốt cà chua thơm ngon
Món cá thu sốt cà chua thơm ngon

Cách làm món cá thu sốt cà cực đơn giản với 5 bước:

  • Bước 1: Bắc chảo dầu lên bếp, sau đó chiên cá thu đến khi vàng hai mặt rồi gắp ra đĩa. Bước này sẽ giúp cá thu thơm và có vị bùi khi ăn.
  • Bước 2: Cắt cà chua thành hình hạt lựu. Vẫn chảo dầu lúc nãy, bạn phi thơm hành, tỏi rồi đổ cà chua xào cùng một chút nước.
  • Bước 3: Đảo đến khi cà chua chín nhừ, tạo thành hỗn hợp nước sốt cà chua thì cho cá thu đã chiên vào.
  • Bước 4: Nêm nếm gia vị theo khẩu vị gia đình. Lật cá đều hai mặt để thấm đều gia vị.
  • Bước 5: Sau khi thịt cá chín mềm, nước sốt sền sệt thì cho ra đĩa. Trang trí lên trên một chút hành lá thái nhỏ để món ăn thêm đẹp mắt.

Cá thu nướng giấy bạc

Cá thu nướng giấy bạc là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Với món ăn này, bạn có thể cảm nhận được độ chắc của từng thớ thịt và vị ngon ngọt trong mỗi miếng cá. Cá thu nướng giấy bạc thường được ăn kèm với bún, rau sống cùng nước mắm chua ngọt cực bắt miệng.

Để thực hiện món ăn này, bạn cần chuẩn bị: cá thu nguyên con, giấy bạc bọc cá, hành lá, tỏi, ớt, lá chanh cùng các loại gia vị khác.

Cá thu nướng giấy bạc
Cá thu nướng giấy bạc

Cách thức thực hiện:

  • Bước 1: Dùng dao khứa nhỏ hai bên mặt cá để cá thấm đều khi ướp gia vị.
  • Bước 2: Hỗn hợp ướp cá bao gồm: 01 muỗng đường, 02 muỗng nước mắm, 01 muỗng hạt nêm. Trộn đều hỗn hợp rồi cho tỏi, hành, tím đã được giã nhuyễn vào.
  • Bước 3: Ướp đều hai mặt cá thu bằng hỗn hợp vừa chuẩn bị rồi bọc kín cá bằng giấy bạc. Mặt trên của cá rải ít lá chanh và phết một lớp dầu ăn để thịt cá thơm và mềm hơn. Sau đó, để cá vào tủ lạnh trong khoảng 30 phút để gia vị thấm đều vào cá.
  • Bước 4: Nướng cá bằng lò vi sóng, nồi chiên không dầu hoặc bếp than. Cuối cùng là thưởng thức thành quả thôi!

Cá thu chiên nước mắm

Nguyên liệu cần có để chế biến món cá thu chiên nước mắm bao gồm: cá thu cắt khúc, tỏi, ớt, nước mắm, đường và hành lá.

Cá thu chiên nước mắm đậm vị
Cá thu chiên nước mắm đậm vị

Quá trình thực hiện món ăn này cực đơn giản với các bước như sau:

  • Bước 1: Chiên cá thu cho đến khi vàng giòn hai mặt, sau đó vớt ra đĩa riêng.
  • Bước 2: Hỗn hợp nước sốt tỏi ớt bao gồm: tỏi, ớt giã nhuyễn, 02 thìa canh nước mắm, 03 thìa canh nước lọc và 02 thìa canh đường.
  • Bước 3: Đổ hỗn hợp nước sốt đã chuẩn bị vào chảo. Đảo đến khi hỗn hợp sốt sệt lại thì cho cá vào. Đun nhỏ lửa trong 5 phút rồi cho cá ra đĩa.

Cá thu nấu canh chua

Đây là món ăn được hầu hết các gia đình Việt yêu thích. Bên cạnh vị ngon của món ăn thì cách nấu cũng vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị cá thu cắt lát, cà chua, trái dứa, hành lá, thì là, rau ngổ cùng các loại gia vị. Sau đó thực hiện theo các bước dưới đây.

Cá thu nấu canh chua là món ăn được nhiều người yêu thích
Cá thu nấu canh chua là món ăn được nhiều người yêu thích
  • Bước 1: Chiên sơ qua cá thu để cá không bị bể khi cho vào nồi.
  • Bước 2: Cắt cà chua theo hình múi cau, dứa cắt lát vừa miệng, hành cắt khúc dài khoảng 2cm.
  • Bước 3: Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn rồi phi thơm hành tỏi. Sau đó cho một ít cà chua và dứa vào đảo đều.
  • Bước 4: Cho nước vào nồi. Đến khi nước sôi thì cho cá, phần cà chua và dứa còn lại vào.
  • Bước 5: Nêm nếm gia vị theo khẩu vị gia đình. Đợi nước sôi lại lần nữa thì tắt bếp và đổ vào tô. Trang trí thêm hành lá, thì lên tô canh cho thêm phần hấp dẫn.

Mẹo khử mùi tanh cho cá thu

Các loại cá thu là thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu thịt cả không được khử mùi tanh đúng cách thì món ăn sẽ mất đi vị ngon vốn có. Dưới đây là những cách khử mùi tanh cá thu cực đơn giản và vô cùng hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.

  • Muối ăn: Sau khi mua cá thu về, hãy rắc một ít muối lên thân cá trong 15 phút. Việc này không chỉ giúp khử mùi tanh của cá mà còn giúp thịt cá săn chắc hơn, không bị bở vụn trong quá trình chế biến.
  • Chanh: Vắt nước cốt chanh lên thịt cá, để vài phút rồi rửa lại với nước. Cách này vừa giúp khử sạch mùi tanh của cá thu, vừa giúp loại bỏ các chất nhờn bên ngoài da cá. Nếu trong nhà hết chanh thì bạn có thể thay bằng giấm, cách thực hiện cũng tương tự nhé!
  • Gừng: Ngâm cá trong nước cùng vài lát gừng trong khoảng 5 phút sẽ giúp khử mùi tanh hiệu quả, đồng thời tăng thêm hương vị cho món ăn.
  • Rượu trắng: Ướp cá thu cùng một chút rượu trắng trong khoảng 5 – 7 phút. Sau đó lau khô cá rồi mang đi chế biến như bình thường. Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với khả năng khử mùi tanh của loại nguyên liệu này đấy!
  • Gia vị: Một số loại gia vị như hành, tiêu, tỏi, ớt cũng cho khả năng khử mùi tanh cực hiệu quả. Ngoài việc khử mùi, chúng còn giúp món ăn thêm thơm ngon, đậm đà.
Có rất nhiều cách khử mùi tanh của cá
Có rất nhiều cách khử mùi tanh của cá

Hướng dẫn cách nhận biết cá thu tươi ngon, đảm bảo

Để các loại cá thu tới tay người dùng cần qua rất nhiều giai đoạn, từ khâu khai thác cho tới bảo quản. Do vậy, làm thế nào để chọn được con cá thu tươi ngon là điều khiến nhiều người quan tâm nhất. Bạn có thể chọn cá dựa theo một vài yếu tố sau:

Đối với cá thu tươi

  • Mắt cá: Nên mua những con cá có phần mắt còn sáng, hơi lồi nhẹ, nhìn rõ con ngươi. Những con cá bị bảo quản lâu mắt bị ngả đục, hơi lõm vào trong và lộ rõ hốc mắt.
  • Mang cá: Dùng tay vạch nhẹ vào phần mang cá. Nếu thấy phần mang có màu đỏ tươi, bám chặt vào thân cá thì thịt cá còn tươi mới. Ngược lại, mang cá có màu đỏ sẫm, dễ bị tách rời thì tuyệt đối không nên mua.
  • Thân cá: Cá thu còn tươi sẽ có phần thân màu ánh bác, nhìn rõ vân và có độ đàn hồi. Nếu thân cá bị mềm, rách nhẹ khi bị ấn vào thì chắc chắn chúng đã bị bảo quản trong thời gian dài.
Cách nhận biết cá thu tươi ngon
Cách nhận biết cá thu tươi ngon

Đối với cá thu đông lạnh

Cá đông lạnh hàng mới vẫn sẽ được màu ánh bạc của cá. Vây và mang bám vào thịt cá và không bị dập. Ngoài ra, bạn cần ngửi mùi cá để đảm bảo độ tươi của chúng. Mặc dù là hàng đông lạnh nhưng mùi tanh của cá không biến mất hoàn toàn. Nếu nhận cá thu có mùi lạ thì tuyệt đối không nên mua.

Cá thu bao nhiêu 1kg? Mua ở đâu?

Nhìn chung, giá các loại cá thu thường cao hơn những loài cá khác. Dưới đây là bảng giá cá thu mới nhất mà bạn có thể tham khảo:

  • Giá cá thu tươi: 230.000 – 250.000 đồng/kg.
  • Giá cá thu một nắng: 270.000 – 330.000 đồng/kg.
  • Giá cá thu đông lạnh: 220.000 – 240.000 đồng/kg.
Giá cá thu bao nhiêu 1kg
Giá cá thu bao nhiêu 1kg

Với những bạn ở Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu hay các thành phố ven biển khác, việc tìm mua các loại cá thu tươi ngon không quá khó. Bạn có thể mua chúng ở các chợ cá hoặc những cửa hàng chuyên phân phối hải sản.

Những bạn sinh sống ở Hà Nội, TPHC thì sẽ gặp khó khăn hơn chút. Bạn cần đến những hệ thống siêu thị lớn trên thành phố để đảm bảo chất lượng của cá.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ thông tin về cá thu mà bài viết muốn chia sẻ tới bạn. Hy vọng thông qua chia sẻ trên, bạn đã phân biệt được các loại cá thu, cách nhận biết cá thu tươi ngon, đồng thời thực hiện được những món ăn ngon với loại cá này. Chúc bạn có những bữa ăn hấp dẫn, ngon miệng với các món cá thu nhé!

> Tham khảo:

Bài liên quan

Shopee